Vùng đất Tây Ninh đầy nắng gió là thế nhưng nơi đây lại sở hữu nhiều đặc sản nổi tiếng mà những vùng khác không có được. Ví như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ, muối tôm… đều là một trong những món ngon tạo nên nét đặc trưng của Tây Ninh mỗi khi nhắc về. Những ai chưa từng đến hoặc chưa từng thưởng thức đặc sản Tây Ninh thì nhớ bỏ túi cho mình list đặc sản dưới đây, và nhất định phải thử để không tiếc nuối nhé!
1. Muối tôm
Nhắc đến vùng đất Tây Ninh đầu tiên phải nói đến muối tôm, đặc sản có một không hai của Tây Ninh, cho dù nhiều vùng khác có làm ngon như thế nào thì vẫn không qua mặt được muối tôm Tây Ninh. Muối tôm ở đây hầu hết được làm thủ công, rang qua lửa và người ta phơi muối tôm ở giữa cái nắng Tây Ninh cho dậy mùi thơm.
Cho dù là vùng đất không có biển, muối và tôm đều nhập từ các tỉnh lân cận nhưng với công thức chế biến và bí quyết riêng của người dân nơi đây đã cho ra đời loại muối có hương vị kích thích vị giác, thơm vị ớt, có màu đậm của tôm. Ăn cóc, xoài, ổi hay bánh tráng trộn mà thiếu muối tôm Tây Ninh là không được, nhiều người lại ghiền muối tôm đến độ ăn không, lâu lâu chấm tay một miếng cho đỡ ghiền.
>> Xem và lưu cách làm chi tiết: Muối tôm chuẩn vị
2. Bánh tráng phơi sương cuốn thịt
Sau muối tôm phải kể đến bánh tráng phơi sương cuốn thịt, đây là đặc sản của người dân Trảng Bàng. Bánh tráng phơi sương nhất định phải làm từ loại gạo non được nhặt sạch sẽ đem xay nhuyễn rồi thêm tí muối rồi đem đi tráng bánh. Cũng với cái nắng khắc nghiệt cùng hơi sương ban đêm của Tây Ninh đã làm nên loại bánh tráng 2 lớp tinh tế.
>> Xem thêm: Vì sao bánh tráng Tây Ninh lại nổi tiếng khắp cả nước?
Bánh tráng phơi sương phải ăn cùng thịt heo luộc, rau sống rồi chấm miếng nước mắm pha chế đậm đà là tuyệt vời. Bánh tráng Tây Ninh mềm dẻo, lại độ dai phù hợp, thịt heo phải vừa nạc vừa mỡ thì ăn mới không bị ngấy. Hiện nay trên Sài Gòn cũng có khá nhiều quán mang món bánh tráng phơi sương cuốn thịt - đặc sản Tây Ninh này đến với nhiều người.
3. Bánh tráng me
Thời sinh viên học sinh hay thậm chí dân công sở chắc chắn rất thích được ăn bánh tráng me, đặc biệt có nguồn gốc từ Tây Ninh này. Từ bánh tráng phơi sương, ngoài cuốn thịt thì người dân sáng tạo nhiều món khác nhau như bánh tráng nướng, bánh tráng trộn… nhưng bánh tráng me vẫn “đánh gục” tất cả.
Bịch bánh tráng me rất đơn giản gồm bánh tráng phơi sương, hành phi, đậu phộng, muối tôm và đặc biệt bịch mắm me đi kèm. Gỡ từng miếng bánh dẻo, cuốn lại chấm với chén gia vị và thưởng thức, có người thì cho tất cả nguyên liệu mặn vào trước sau đó mới chấm mắm me. Vị chua của mắm me hòa quyện với vị mặn của bánh tráng tạo nên hương vị quyến rũ.
4. Bánh canh Trảng Bàng
Nếu nhắc đến bánh tráng mà không nói bánh canh Trảng Bàng thì quả là thiếu sót. Tuy nhiên bạn có biết để làm được sợi bánh canh ngon dai, người dân nơi đây làm như thế nào không? Họ chọn loại gạo Nàng Thơm ở chợ Đào ngâm rồi xay, hấp chín và cho ra lò những sợi bánh trắng dai.
Kết hợp với những nguyên liệu đơn giản khác rồi qua quá trình chế biến công phu và khéo léo trong nêm nếm làm ra hương vị bánh canh đậm đà. Tô bánh canh làm nên thương hiệu cho vùng đất khô cằn này, từ gạo, xương heo, gia vị nêm nếm cho ra tô bánh canh nghi ngút khói với giò heo, để lại trong lòng thực khách biết bao cảm xúc.
5. Bò tơ Củ Chi
Nói đến bò tơ Củ Chi chắc ít nhiều người đã từng nghe thấy, vì hiện tại ở Sài Gòn hay Hà Nội đều có nhưng bạn có biết chỉ khi ăn ở Tây Ninh mới thưởng thức được trọn vẹn hương vị không? Bò tơ nơi đây được chăn thả tự nhiên, thịt đầy khác biệt, miếng thịt bò dai dai, thớ thịt chắc, có màu đỏ hồng được chế biến thành nhiều món ngon.
Cho dù có được chế biến thành nhiều món ngon đi chăng nữa thì ngon nhất vẫn là món bò tơ nướng. Miếng thịt bò tơ được tẩm ướp gia vị vừa đủ, nướng trên bếp than tỏa mùi thơm nghi ngút khiến bạn không thể chờ đợi được lâu.
6. Mắm chua Tây Ninh
Nghe mắm chua có vẻ hơi lạ nhưng nó chính là đặc sản Tây Ninh chính hiệu, có hương vị rất nồng, đậm thơm. Cách chế biến mắm chua Tây Ninh chịu ảnh hưởng khá nhiều từ nền ẩm thực của dân tộc Khmer, nguyên liệu chính là những loại cá nhỏ như cá cơm, cá lòng tong… ướp cùng muối hột, thính và đường tán ủ trong nhiều ngày là có thể dùng được.
Khi ăn người ta sẽ pha mắm chua Tây Ninh cùng với đường, tỏi, ớt cho mắm dịu lại và để tăng hương vị của mắm. Món mắm chua mà chấm với rau sống, thịt luộc, thậm chí chỉ ăn với cơm trắng thôi cũng gọi là “sạch nồi”.
7. Nem bưởi
Có thể nhiều người không biết bưởi có thể làm được món nem, và thậm chí nó còn là đặc sản Tây Ninh, nem bưởi có vị chua đặc trưng kết hợp với các gia vị khác tạo nên món nem lạ lẫm nhưng đầy hương vị hấp dẫn. Nem bưởi còn là món ăn chơi khá phổ biến của vùng đất Hiệp Thành, Tây Ninh.
Nguyên liệu chính của món nem này là vỏ bưởi bào sợi, trộn với đu đủ xanh bào nhuyễn phơi khô và những nguyên liệu phụ khác như khế chua, ớt hiểm, tiêu, lá chùm ruột, lá chuối… Nem bưởi sau khi ủ có màu hồng hào, có độ dai vừa phải và hội tụ đủ vị chua cay mặn ngọt, khiến bạn thích thú, sẽ muốn ăn hoài ăn mãi mà thôi.
Nếu có dịp đến Tây Ninh nhất định phải thưởng thức những đặc sản có một không hai ở trên bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm: