Còn hơn 1 tháng nữa là Tết rồi đấy. Một năm trôi qua thật là nhanh, các gái, các mẹ đã chuẩn bị được gì cho Tết đang về chưa. Năm nay, các nàng mới làm dâu có ý định trổ tài làm mứt cho mẹ chồng không nào. Hay đơn giản các gái chỉ muốn tự tay làm cho nhà mình những loại mứt thay vì đi mua.
Muốn làm mứt tại gia thì trước tiên phải biết được những nguyên vật liệu cơ bản để làm ra một món mứt đúng không nào? Dưới đây là những thứ mà bạn cần có nếu bạn là người lần đầu tiên làm mứt nhé!
Nguyên liệu cho người mới học làm mứt
1. Loại mứt bạn muốn làm: Mứt bí, mứt dừa, mứt cà rốt...
Thông thường khi mới học làm mứt thì chúng ta nên chọn những loại mứt cơ bản, truyền thống như mứt dừa, mứt cà rốt, mứt gừng...
2. Phẩm màu hoặc màu tự nhiên (nước lá dứa, nước lá cẩm, bột trà xanh, hoa atiso...)
Các loại phẩm màu này giúp cho món mứt của bạn làm ra thêm phần bắt mắt và hấp dẫn hơn. Bạn có thể dùng các loại màu tự nhiên để thay thế màu thực phẩm, mặc dù hơi mất thời gian và vất vả hơn chút xíu, nhưng chất lượng an toàn vệ sinh khiến bạn yên tâm hơn đấy.
>> Xem thêm: Tổng hợp địa chỉ bán nguyên vật liệu làm mứt ở Tp Hồ Chí Minh
3. Nước vôi trong
Nước vôi trong thực chất là hòa vôi bột với nước tạo thành dung dịch màu trắng đục, lắng cặn lấy phần nước trong ở trên là được nước vôi trong. Thông dụng nhất là xử lý nguyên liệu làm bánh, mứt trái cây, nước vôi có tác dụng làm cho sản phẩm có độ trong và sự rắn chắc.
Cách làm nước vôi trong:
Hòa tan vôi tôi trong nước lạnh, rồi để vôi lắng trong vài giờ. Lọc lấy phần nước trong ở bên trên. Khi này ta thấy có một lớp màng mỏng ở bên trên chén nước vôi này (nó là phần nước vôi trong tác dụng với oxy trong không khí). Khi sử dụng dùng khăn xô lọc phần màng này đi. Có thể làm nhiều và tích trữ trong lọ nhựa, gốm hoặc thủy tinh dùng dần (không nên dùng hũ kim loại).
4. Đường trắng
Là nguyên liệu bổ sung hoặc tạo độ ngọt cho các thực phẩm cần chế biến, bảo quản như: Món ăn, bánh, kẹo , mứt... Tùy vào loại thực phẩm mà lượng đường cho vào cũng tương ứng.
5. Các phụ liệu khác: Sữa đặc, cà phê...
Dụng cụ cần thiết cho người mới học làm mứt
+ Dao: Là dụng cụ bắt buộc khi làm mứt. Dùng cắt mứt thành sợi, thành lát như mứt dừa. Ngoài ra nếu bạn muốn làm những loại mứt khó hơn một chút thì nên có thêm:
- Dao lượn sóng
- Dao gọt, bào
Các loại dao này sử dụng cho mứt cà rốt, mứt bí, khoai lang...
+ Thau, xô
+ Nồi, chảo
+ Bếp
+ Khay hoặc mâm: Dụng cụ này dùng để phơi mứt khi sên xong
+ Hũ thủy tinh hoặc hộp nhựa: Chúng ta nên sử dụng hũ thủy tinh để đựng, vì như vậy sẽ giữ được mứt tránh ẩm mốc và lâu hỏng.
>> Xem thêm: Những dụng cụ siêu tiện lợi cho người nội trợ (phần 4)
Cách làm món mứt dừa truyền thống cho người mới học làm mứt
Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết làm mứt dừa truyền thống
- Cùi dừa
- Đường
- Vani
- Dụng cụ: dao 2 lưỡi, dao cắt, dao gọt; chảo; bếp; mâm; đũa...
Cách thực hiện mứt dừa truyền thống
Bước 1: Cùi dừa rửa sạch, bào lát mỏng hặc sợi nhỏ và bỏ vào trong thau nước. Sau đó xả dừa thật sạch với nước lạnh đến khi nào thấy nước trong thì thôi.
Bước 2: Để dừa ráo trong khoảng 10 phút, sau đó đổ 200gr đường vào, xóc cho đều và để khoảng 15 phút nữa cho thấm. Bỏ dừa vào 1 cái chảo mỏng, bắc lên bếp bật lửa lớn vừa cho nước đường trong dừa sôi lên. Đảo nhẹ tay.
Bước 3: Vặn lửa vừa và tiếp tục đảo nhẹ đến khi thấy dừa kẹo lại và đảo thấy nặng tay. Lúc này vặn lửa thật nhỏ và đảo đều, khi thấy có váng đường trắng bắt đầu đóng xung quanh rìa chảo thì liên tục đảo, nhưng nhớ phải luôn nhẹ tay. Bỏ vani vào dừa. Lúc này là giai đoạn "lại đường", đường sẽ khô lại tạo thành 1 lớp áo xung quanh từng sợi dừa.
Bước 4: Khi thấy dừa đã săn với 1 lớp áo bọc đường khô bên ngoài thì tắt bếp. Trút ra mâm và đãi đều. Mứt dừa đã hoàn tất, có thể dừng ngay ở công đoạn này hoặc đem mâm dừa phơi nắng 1 chút, mứt sẽ ngon hơn.
>> Xem thêm chi tiết: Cách làm mứt dừa sợi
Chúc các bạn mới đầu học cách làm mứt sẽ thành công với món mứt đầu tay của mình nhé!
Xu Xu