Vitamin D là một nhóm các secosteroid tan được trong chất béo, có chức năng làm tăng cường khả năng hấp thu canxi và phosphat ở đường ruột. Ở người, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 (còn được gọi là cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol).
Cholecalciferol và ergocalciferol có thể đưa vào cơ thể qua việc ăn uống và các biện pháp bổ sung. Cơ thể cũng có thể tổng hợp vitamin D (đặc biệt là cholecalciferol) ở da, từ cholesterol, khi da được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời (vì thế nó còn được mệnh danh là "vitamin ánh nắng").
Mặc dù vitamin D thường được gọi là một vitamin, nhưng trong một ngữ nghĩa hẹp thì nó không phải là một vitamin thiết yếu trong chế độ ăn, bởi vì hầu hết động vật có vú đều có thể tự tổng hợp nó đủ cho cơ thể khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Một chất chỉ được phân loại là vitamin thiết yếu khi nó không thể được cơ thể tổng hợp đủ, mà phải nạp vào thông qua việc ăn uống. Tuy nhiên, cũng như các vitamin khác, người ta đã phát hiện ra sự thiếu hụt vitamin D trong khẩu phần ăn có thể gây ra bệnh, cụ thể là bệnh còi xương (một chứng loãng xương ở trẻ em). Vì thế, ở các nước phát triển, người ta thêm vitamin D vào khẩu phần ăn thiết yếu, chẳng hạn như sữa, để tránh các bệnh do thiếu hụt.
Những ảnh hưởng của vitamin D vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc thiếu hụt vitamin D là nguyên nhân gây ra bệnh ở người. Tuy vậy, việc dùng vitamin D không đúng liều lượng có thể gây ngộ độc, chóng mặt, buồn nôn.
Tuổi thọ
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đầy đủ vitamin D3 có thể giảm nguy cơ tử vong ở người già. Tuy vậy, tác dụng này vẫn chưa được thể hiện rõ ràng.
Xương
Hiện tại chưa có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy việc bổ sung vitamin D làm tăng mật độ xương (BMD) và do đó không khuyến khích dùng vitamin D để ngăn ngừa loãng xương.
Ung thư
Một số nhà cung cấp vitamin D đã quảng cáo rằng vitamin D có khả năng chống ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết. Tuy vậy, điều này cũng chưa được chứng minh đầy đủ và vẫn chưa được công nhận.
Hệ miễn dịch
Vitamin D kích hoạt hệ miễn dịch bẩm sinh và làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch thích nghi. Sự thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút, trong đó có cả HIV và cúm.
Phụ nữ mang thai
Việc thiếu hụt vitamin D trong thời kỳ mang thai có liên quan đến bệnh tiểu đường do mang thai, tiền sản giật và thai nhi nhỏ. Tuy vậy, việc bổ sung vitamin D lại không mang lại tác dụng rõ ràng.
Lượng hấp thu vitamin D theo khuyến cáo của Viện Y học Mỹ
Độ tuổi | Lượng hấp thu (IU) |
Trẻ sơ sinh (0-12 tháng) | 400 |
1-70 tuổi | 600 |
Trên 71 tuổi | 800 |
Phụ nữ mang thai/cho con bú | 600 |
Vitamin D có nhiều trong các loại nấm (đặc biệt là nấm đã phơi khô), cá ngừ, cá hồi, cá nục, đậu nành, trứng,....
Thông thường, sau khi nấu, lượng vitamin D hao hụt khoảng 10-50%.
Khi nấu thức ăn có nhiều vitamin D, nên dùng ít dầu mỡ để giảm hao hụt. Cách tốt nhất là nên nướng hay hấp.
Tham khảo: