Lá dứa hay còn gọi là dứa thơm, lá nếp (danh pháp khoa học: Pandanus amaryllifolius) là loài thực vật thân thảo miền nhiệt đới, dùng làm gia vị trong ẩm thực Đông nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương và Philippines, nhất là trong những món quà ngọt tráng miệng.
Lá cây dứa thơm hình dài, hẹp và thẳng như lưỡi gươm tụm lại ở gốc như nan quạt. Lá dứa được dùng ở dạng tươi hoặc đông lạnh. Mùi thơm đặc trưng của nó là do hợp chất thơm 2-Acetyl-1-pyrroline, có thể được ướp thơm cho các loại lúa gạo và lúa mì trong ẩm thực.
Lá dứa (nếp thơm) khá lành, không gây độc hại cho sức khỏe con người nên từ lâu cây được dùng nhiều trên các lĩnh vực công nghiệp, ẩm thực… Các nhà khoa học đã xác định được một số thành phần dễ bay hơi của cây dứa thơm chủ yếu là 3-metyl-2(5H)-furanon (83,82%); 2-axetyl-1-pyrrolin (3,15%) là chất gây mùi thơm nếp đặc trưng.
Thông thường, trong ẩm thực dân gian khi nấu chè, làm kem, gói bánh, luộc sắn… đều bỏ vài lá dứa thơm vào nồi làm thức ăn có mùi thơm hấp dẫn hơn. Có nơi, người ta giã nát, hoặc xay nhuyễn lá dứa, vắt lấy nước cốt, trộn chung với gạo nếp, dùng để gói bánh chưng, làm si rô, tạo màu và mùi hương cho xoa xoa... Bánh chưng gói theo kiểu này khi chín, vỏ bánh sẽ có màu xanh đẹp, hương thơm khá hấp dẫn với người ăn. Không chỉ người Việt mới có thói quen dùng lá dứa nấu ăn mà các cư dân châu Á cũng có nhiều món ăn truyền thống có dùng lá dứa thơm.
Tham khảo: