Cá bông lau (tên khoa học: Pangasius krempfi) là một loài cá thuộc chi Cá tra (Pangasius), da trắng màu bông phấn, thân hình đầy đặn dong dải, lưng và đầu cá bông lau màu xanh lá cây, bụng thon màu trắng, vảy trong suốt, vây hơi vàng. Vây lưng: 1-1, các tia vây lưng: 6-7, gai hậu môn: 4, các tia vây mềm hậu môn: 31-34; và 18-22 lược mang ở cung đầu tiên. Chiều dài tối đa 120 cm, cân nặng tối đa 14 kg. Các răng lá mía chia tách ở đường giữa, kết nối với các răng vòm miệng để tạo thành vệt dài hình lưỡi liềm.
Cá Bông lau còn thấy ở vùng cửa sông Cần Giờ, còn có tên gọi khác là cá Dứa.
Loài này phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á trong lưu vực sông Mê Kông. Môi trường sống là nơi nước lợ. Thức ăn của chúng là trái cây, tảo và động vật giáp xác. Đây là loài di trú, có một thời gian sống ở các vùng nước ven biển (đây là đặc tính chỉ có duy nhất ở loài này trong họ Cá tra), và một thời gian di cư vào sông (chỉ ở sông Mê Kông mà không là các sông khác) để sinh sản. Cá có kích thước lớn, tăng trưởng nhanh.
Người ta giả thiết rằng có ít nhất hai quần thể trên sông Mê Kông thực hiện việc di cư. Một quần thể di cư trong giai đoạn tháng 5-9 từ phía nam thác Khone ngược dòng tới vùng nước để đẻ dọc theo dòng chính sông Mê Kông tới tận Chiang Khong gần biên giới Lào-Thái Lan-Myanma. Quần thể kia di cư xuôi dòng từ gần Stung Treng tới vùng nước để đẻ nằm giữa Stung Treng và Kompong Cham ở Campuchia trong mùa đẻ trứng từ tháng 5 tới tháng 8. Khi mực nước rút xuống kể từ tháng 10, chúng di chuyển ngược lại sông chính để bắt đầu di cư phân tán ngược dòng, đạt tới khu vực ngay dưới thác Khone. Chúng sống trong các vũng nước sâu trong dòng chính trong suốt mùa khô. Chỉ có 2 mẫu vật của loài cá này được thu thập vào ngày 5 tháng 4 năm 1956 và 10 tháng 9 năm 1957 tại Bắc Hải (Quảng Tây). Một mẫu vật khác thu được ngày 22 tháng 11 năm 1963 tại Sán Vĩ (Quảng Đông). Ở Việt Nam, cá bông lau thường thấy ở hệ thống sông Cửu Long, nhất là sông Hậu.
Cá Bông Lau được xếp vào loài cá nhiều chất béo như các loài cá khác trong chi Pangasius. Một số kết quả phân chất (Food Chemistry Số 2-2008) ghi nhận:
100 gram cá (phần ăn được, bỏ xương..) chứa:
- Calories 105
- Chất đạm 15.3 g
- Chất béo tổng cộng 4.7 g
- chất béo bảo hòa (SFA) 1.76 g
- chưa bảo hòa mono (MUFA) 1.75 g
- chưa bảo hòa poly (PUFA) 1.18 g
- Cholesterol 52.94 mg
- Calcium 25.53 mg
- Sắt 0.43 mg
- Sodium 387 mg
- Potassium 340 mg
- Magnesium 12.8 mg
Thành phần các acid béo Omega: EPA (EicosaPentaenoic Acid):0.76 mg và DHA (DocosaHexaeonic Acid)= 10 mg
( Số lượng này tương đối thấp khi so sánh với cá Salmon (Atlantic, chứa đến 61 mg EPA và 302 mg DHA trong 100 gram cá tươi).
Cá bông lau chủ yếu chỉ có một xương giữa, không xương hom nên dễ ăn, nhưng ngon nhất là bao tử và gan (phần quý nhất). Trứng cá bông lau cũng là món khoái khẩu nhưng rất hiếm...
Cá bông lau, thuộc loại cá béo nên chỉ được dùng ăn dưới dạng cá tươi, hay lóc thịt philê làm đông lạnh. Cá không thể phơi khô hay làm mắm.. Món ăn ngon nhất và thông dụng nhất là nấu canh chua, có khá nhiều dạng canh chua cá bông lau, cầu kỳ hơn có canh súng cá bông lau, canh cá bông lau nấu hoa kèo nèo.
Cá có thể ướp sả, muối chiên tươi ; kho tộ, kho tiêu, riềng và kho xì dầu.kho lạt ăn với xoài. Dân nhậu và 'xành ăn' cho rằng bao tử và gan cá là những phần quý giá nhất. Ngoài ra trứng cá cũng được xếp vào loại hiếm gặp.
Cá Bông Lau | Cá Tra |
- Cá bông lau có lưng và đầu cá màu xanh lá cây, bụng màu trắng vảy trong suốt, vây hơi vàng có khi vàng đậm. Cá có 6 đến 7 tia ở vây lưng, có 4 gai hậu môn, 31 đến 34 vây mềm hậu môn và có 18 đến 22 lược mang ở cung đầu tiên. Chiều dài tối đa của cá bông lau tối đa 120cm, nặng tối đa 14kg. Các răng lá mía của cá được chia tách ở đường giữa, kết nối với các răng vòm miệng để tạo thành vệt dài hình lưỡi liềm. |
- Cá tra là loại cá có vây lưng nằm gần đầu, thông thường cao và có hình tam giác, khoảng 5 đến 7 tia vây và 1 đến 2 gai. Vây hậu môn hơi dài, với 26 đến 46 tia. Thông thường chúng có hai cặp râu hàm trên và một cặp râu cằm, mặc dù ở cá tra dầu trưởng thành chỉ có các râu hàm trên. Thân hình đặc chắc. Vây béo (mỡ) nhỏ cũng tồn tại.
|