Không ít người nhầm lẫn há cảo với sủi cảo, cũng không ít người lầm tưởng hoành thánh và sủi cảo là một. Vậy chúng có điểm gì khác nhau? Và đặc trưng của từng món làm nên điểm khác biệt độc đáo của chúng là gì?
Ẩm thực Trung Hoa từ xưa đến nay đã nổi tiếng phong phú, đa dạng với rất nhiều món ăn nổi tiếng khắp thế giới. Chúng ta không còn lại lẫm với há cảo, sủi cảo hay hoành thánh - những món Dimsum quen thuộc. Tuy nhiên, không ít người nhầm lẫn há cảo với sủi cảo, cũng không ít người lầm tưởng hoành thánh và sủi cảo là một. Vậy chúng có điểm gì khác nhau? Và đặc trưng của từng món làm nên điểm khác biệt độc đáo của chúng là gì?
Dimsum là tên gọi chung để chỉ những món ăn dùng trong bữa điểm tâm của người Hoa. Dimsum có khoảng 2000 món ăn, trong đó có 150 món phổ biến. Món ăn này ít tinh bột, nhiều đạm và thường được dùng vào sáng hoặc tối như một món lót dạ.
Dimsum không đơn thuần chỉ là những món ăn quen thuộc chúng ta vẫn thường hay gặp như xíu mại tôm, bánh bao súp, há cảo, sủi cảo, hoành thánh,...mà còn bao gồm nhiều món ăn nhẹ khác: bánh khoai môn chiên giòn, bánh bao kim sa, các loại chả giò, các loại bánh ngọt, các loại thịt viên, chân gà chưng, xôi và cháo. Ngoài ra còn có các món ngọt như bánh trứng, rau câu,...
Dimsum cũng có thể được phân loại theo cách chế biến như chưng, hầm, chiên, nướng, hấp,... nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là món hấp.
Há cảo là một loại dimsum phổ biến và quen thuộc nhất. Xuất phát từ Triều Châu, há cảo đi khắp nơi để phục nhu cầu ăn uống của mọi người, đồng thời làm cầu nói văn hóa từ thế giới và Trung Quốc.
Há cảo gồm hai phần: vỏ bánh và nhân. Vỏ bánh có màu trắng trong, dai dai bao bọc lấy nhân tôm thơm mùi dầu mè. Lớp vỏ trắng ấy thường được làm từ bột năng pha bột gạo, có nơi sử dụng bột tàn mì hoặc bột khoai tây, nhưng thành phẩm vẫn đạt được độ dai dẻo nhất định.
Bước 1: Trộn đều bột tàn mì và bột khoai tây vào chung một tô rồi từ từ chế nước sôi vào, vừa chế vừa dùng đũa trộn đều, để bột nghỉ 5 phút.
Bước 2: Rót vào tô bột một ít dầu ăn, nhào bột thành một khối mịn, để bột nghỉ 10 phút.
Bước 3: Cắt bột ra làm 4, nhồi sơ qua từng khối thành những thanh trụ dài rồi tiếp tục chia thành những cục bột nhỏ. Vo tròn rồi ấn dẹt cục bột, dùng dao phay lưỡi rộng hoặc chày cán bột, miết cục bột ra thành miếng bột mỏng tròn, ta được phần vỏ dùng để gói há cảo.
Há cảo được làm chín bằng cách hấp, nên tất cả hương vị ngon ngọt của viên há cảo vẫn được giữ vẹn nguyên trong nhân. Ngoài há cảo tôm truyền thống, ngày nay người ta chế biến ra đa dạng các thể loại nhân há cảo như nhân thịt, hải sản, các loại rau, củ quả,... Há cảo thông dụng là món há cảo hấp, ngoài ra còn món há cảo chiên.
Há cảo hấp dễ ăn, không nhiều dầu mỡ, khi ăn không bị cảm giác căng bụng khi no. Khi chín, lớp vỏ ngoài trở nên trong vắt, thấy được màu hồng nhẹ của nhân tôm bên trong, màu đen của nấm mèo, màu trắng đục của thịt, màu cam của cà rốt, điểm thêm màu xanh tươi của hành lá, màu tím của hành tím, màu sắc vô cùng hấp dẫn.
Người ta vẫn thường lầm tưởng sủi cảo và há cảo là 2 món ăn giống nhau, nhưng trên thực tế, chúng có nhiều sự khác biệt. “Sủi” trong tiếng Trung có nghĩa là nước, tức là, thay vì món ăn được hấp như há cảo thì sủi cảo sẽ được luộc chín.
Vỏ bánh sủi cảo được làm từ bột mì pha trứng cán mỏng, sau khi luộc, lớp vỏ trở nên mềm, mịn và mượt mà một màu vàng bắt mắt. Người ta rất chuộng sủi cảo bởi lớp vỏ béo và thơm bên ngoài.
Bước 1: Đánh tan 3 quả trứng gà. Cho 1/2 lượng trứng đánh tan vào bột mì số 11, dùng chày trộn đều một lúc mới cho 1/2 lượng trứng còn lại vào, nhồi kĩ.
Bước 2: Ở trên một mặt phẳng sạch, rải bột áo đều. Cho khối bột lên nhồi thật kĩ thành 1 khối dẻo mịn.
Bước 2: Ủ khối bột trong một cái tô bọc màng bọc thực phẩm. Sau 1 tiếng lấy khối bột ra, dùng cây cán bột cán mỏng nhất có thể, dùng dao cắt miếng bột ra thành những miếng vuông đều nhau, ta được vỏ để làm sủi cảo.
Với sủi cảo, phần nhân bên trong nhất định phải có 1 con tôm tươi. Cho dù là nhân thịt bằm, hay cá quết, người ta vẫn không quên đặt một con tôm tươi vào rồi mới gói miếng sủi cảo lại.
Do khi luộc, các chất dinh dưỡng, gia vị và chất ngọt trong sủi cảo tan ra nước khá nhiều, nên người ta thường dùng cảo chung với nước, chứ ít ai ăn cảo khô. Các món sủi cảo phổ biến như: cảo không, cảo xá xíu, mì cảo, cảo chạp (gồm sủi cảo và nhiều loại đồ ăn kèm khác như cá viên, bong bóng cá, bì heo,..),...
Vẻ bề ngoài của hoành thánh khá giống với sủi cảo, do lớp vỏ ngoài được làm từ nguyên liệu giống nhau. Nhưng hoành thánh và sủi cảo vẫn là 2 món ăn với một vài điểm khác biệt
Người ta dễ dàng phân biệt hoành thánh và sủi cảo bằng kích thước và hình dạng của từng loại. Nếu như sủi cảo thường được gói bằng hình bán nguyệt, kích thước khá lớn, thì miếng hoành thánh nhỏ nhắn hơn và được ưa chuộng nhất vẫn là loại hoành thánh lá.
Nhân hoành thành đơn giản hơn, chỉ gồm thịt xay và nấm mèo, trong khi sủi cảo luôn có tôm tươi bên trong và nhiều loại thành phần khác. Chính vì thế, hoành thánh có kích thước nhỏ nhắn, vừa ăn từng miếng một. Hoành thánh chiên hay mì hoành thánh đều được ưa chuộng.
Sủi cảo và hoành thánh thường bán chung, nhưng ai đã ăn sủi cảo thì ít khi kêu thêm chén hoành thánh và ngược lại, vì hai món này khá giống nhau. Ai thích kiểu nhân tôm thì kêu sủi cảo. Ai thích nhân thịt băm, nấm mèo thì gọi hoành thánh. Nước lèo thì dùng chung, thêm vài cọng hẹ thơm ngan ngát và ít hành phi, tóp mỡ vàng giòn.
Ẩm thực Trung Hoa đa dạng, phong phú và cũng mang nhiều ý nghĩa nhân văn trong từng món. Dimsum gắn liền với văn hóa, văn hóa gắn liền với nếp sống thường ngày của những người dân bình dị. Sủi cảo, há cảo, hoành thánh nói riêng hay các món Dimsum nói chung đã trở thành quen thuộc, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Hi vọng bài viết có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về món ăn này, để văn hóa thưởng thức ẩm thực được trọn vẹn hơn.
Có thể bạn chưa biết: