Cùng học làm bánh tét chữ Bến Tre vào mùa Tết này để mang lại cho gia đình món quà độc đáo, sáng tạo và ý nghĩan cùng nhiều,câu chúc may mắn. Bánh tét chữ không còn đơn giản là một món bánh Tết truyền thống mà còn trở thành món quà vô cùng quý giá do chính tay bạn làm ra. Tìm hiểu ngay nào!
Miền Bắc có bánh chưng xanh, miền Nam lại có bánh tét - một loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Những năm gần đây, bánh tét chữ Bến Tre nổi tiếng khắp gần xa vì sự sáng tạo và ý nghĩa của nó. Chúng ta cùng nhau học cách làm bánh tét chữ để chuẩn bị cho một năm mới đầy ý nghĩa và đầy bất ngờ nhé!
Người sáng tạo nên thể loại bánh tét này được mệnh danh “phù thủy” bánh tét với sự độc đáo độc nhất vô nhị – bánh tét nhân chữ. Đó bà Huỳnh Thị Hải (SN: 1952, tên thường gọi là bà Hai Hải), ngụ tại ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre.
(Hình minh họa)
Cách đây khoảng 3 năm, người ta chỉ đặt bánh Tét chữ trong các dịp đám tiệc lớn hoặc để dâng hương trên bàn thờ gia tiên. Những năm gần đây, bánh tét chữ được nhiều người biết đến và dần phổ biến trong ngày tết gia đình. Người ta tự tay gói bánh để cúng và biếu tặng nhau như một món quà quý giá.
Bánh tét chữ giúp bạn có thể thỏa sức truyền tải thông điệp của mình, tự do làm nên những đòn bánh tét mang nhiều chữ khác nhau. Ví dụ như những lời chúc an khang thịnh vượng, vạn sự như ý,... Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao nhưng đổi lại thành quả sẽ vô cùng tuyệt vời. Giờ thì cùng nhau xem cách làm bánh tét chữ Bến Tre nhé!
Làm bánh tét chữ cũng tương đồng như những loại bánh tét thông thường khác, muốn có một mẻ bánh tét ngon cần ghi nhớ những điểm sau:
Để bánh tét lâu hư cần:
Để bánh tét mềm ngon cần:
Bước 1: Dùng 3 kg gạo nếp vo sạch, ngâm nước lọc 8 tiếng. 1 kg đậu xanh cà vỏ và vo sạch, nhặt bỏ hạt mốc, ngâm nước lọc 4 - 6 tiếng cho nếp và đậu nở mềm.
Bước 2: Lấy 400 ml nước cốt lá dứa pha với 250gr đường, 800ml nước cốt lá cẩm pha với 500gr đường.
Bước 3: Nếp sau khi ngâm chắt ráo nước, thêm vào 600ml nước cốt dừa, trộn đều.
Hoặc chia gạo nếp ra làm 2 thau, thau 2kg và thau 1kg rồi lần lượt cho 400ml nước cốt dừa và 200ml nước cốt dừa vào. Lấy 800ml nước cốt lá cẩm đổ vào thau chứa 2kg gạo nếp, 400ml nước cốt lá dứa đổ vào thau có 1kg gạo nếp. Ngâm ít nhất 1 tiếng cho gạo nếp thấm màu.
Mách nhỏ: Nếu bạn thích ăn vỏ bánh tét đậm đà thì có thể cho thêm đường và 1 ít muối vào bước này.
Bước 4: Sau một tiếng bạn cho 2 loại gạo nếp vào 2 chảo hoặc nồi, xào đều tay đến khi nếp nở, hạt nếp dính vào nhau.
Thử nếp bằng cách cắn vào hạt thấy mềm 70% là đạt.
Bước 5: Đậu xanh sau khi ngâm thì chắt ráo nước, cho đậu vào nồi. Thêm 300gr đường, 1 muỗng canh muối, 1 lít nước lọc vào nồi. Bắc nồi lên bếp, khuấy đều cho đường tan, hầm cho đậu mềm. Khi hầm nhớ thường xuyên khuấy đậu và vớt bỏ bọt dơ.
Sau đó chia nhỏ đậu xanh rồi đem đi tán nhuyễn. Cho vào nồi 70ml dầu ăn, đổ đậu xanh đã tán nhuyễn vào sên đến khi đậu ráo nước và tróc nồi.
Bước 6: Đậu xanh để cho hơi nguội rồi dùng giấy bạc bọc lại thành một cuộn lớn, nhớ cuốn chặt tay để đậu xanh được dính chặt vào nhau không bị vỡ nát khi cắt và tạo hình.
Gỡ bỏ giấy bạc rồi cắt đậu xanh thành những khoanh tròn dày 2cm.
Cắt bìa mica thành những chữ cái theo ý nghĩa mà bạn mong muốn như: "Tết 2018", "Chúc mừng năm mới", "Vạn sự như ý", "Tấn tài tấn lộc",... Dùng bìa mica đó đặt lên khoanh đậu xanh rồi tỉa theo đường viền để tạo ra những chữ cái.
Mách nhỏ: Kích thước cuộn đậu xanh to hay nhỏ tuỳ thuộc vào kích thước chữ cái mà bạn muốn thực hiện. Kích thước chữ nên vừa phải để khi bọc vào nếp cuộn bánh tét không quá to.
Bước 7: Mua khuôn tròn to hơn kích thước của chữ cái. Ấn nếp lá cẩm vào khuôn với độ dày 2cm. Đặt miếng bìa mica lên khoanh nếp cẩm, tỉa theo đường viền chữ.
Lần này bạn tỉa ngược lại với phần nhân sao cho có đủ khoảng trống để gắn nhân vào giữa.
Bước 8: Lá chuối trụng qua nước sôi cho lá dẻo dễ gói, lau sạch và khô 2 mặt lá. Xếp nhiều lớp lá chuối chồng lên nhau tạo thành một tấm lá chuối lớn vừa đủ để gói bánh.
Dàn mỏng nếp lá dứa vào chính giữa, xếp lần lượt những khoanh chữ cái đã làm theo thứ tự câu mà bạn chọn.
Bước 9: Bọc lá chuối lại thật chặt tay rồi dùng dây lạt (dây chuối, dây ni lông) buộc bánh tét lại. Chuẩn bị một chiếc nồi lớn, lót lá chuối thừa bên dưới nồi để bánh tét không tiếp xúc với đáy nồi có nhiệt độ quá cao.
Xếp bánh tét vào nồi rồi đổ ngập nước. Mang bánh đi luộc với lửa lớn, nhớ châm nước thường xuyên, luộc 1 đêm hoặc khoảng từ 5 đến 6 tiếng.
Bánh chín nhấc ra treo lên chổ thoáng mát cho ráo nước
Bước 10: Cắt bánh ra theo từng khoanh, nhớ thật khéo léo canh độ dày để ra được những chữ cái mà bạn đã làm. Bánh tét chữ với cách làm cầu kỳ đòi hỏi sự tỉ mẩn và cẩn thận rất cao.
Xem lại chi tiết công thức làm Bánh tét chữ Bến Tre nhé!
Thành phẩm sau khi làm xong vô cùng đẹp mắt và ý nghĩa. Còn ngại gì mà không thử làm ngay bánh tét chữ tại nhà vào dịp Tết này? Chúc các bạn thành công nhé!